Câu gốc: “Vì muôn vật được đã dựng lên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả” (Cô-lô-se 1:16).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Môi-se ngụ ý gì khi đưa ra hạn chế về khả năng hùng biện của ông? Chúa trả lời ông Môi-se như thế nào? Câu 13 cho thấy ý của ông là gì? Bạn rút ra những bài học áp dụng nào trong phân đoạn Kinh Thánh này?
Sau khi được Chúa ban cho những phép lạ để thuyết phục các trưởng lão và người Ít-ra-ên, ông Môi-se tiếp tục lo lắng khi phải ra mắt Pha-ra-ôn. Sống trong hoàng cung 40 năm, ông biết rõ các thuật sĩ của vua đều là những người có tài hùng biện nên ông đã lo ngại. Ông đặt vấn đề với Chúa là từ trước đến giờ, ngay cả lúc Chúa gọi, thì ông không phải là một người có tài hùng biện, miệng lưỡi hay ngập ngừng, nên không thể đại diện Chúa đến cùng Pha-ra-ôn và triều thần ở Ai Cập được. Chúa kiên nhẫn nhắc cho ông nhớ chính Ngài là Đấng Tạo Hóa, Đấng Ban Ân Tứ, và Ngài sẽ ở cùng môi miệng ông khi ông gặp vua Ai Cập. Đến đây, ông Môi-se lộ rõ ý định thật sự của ông là từ chối sứ mệnh Chúa giao khi ông thưa với Ngài: “Ôi! Lạy Chúa, Chúa muốn sai ai đi, thì sai” (câu 13). Ông Môi-se lễ phép thưa trình và gọi Chúa là Chúa nhưng Chúa chưa được tôn làm Chủ của đời sống ông. Mỗi chúng ta hãy chân thành nhìn lại, chúng ta có giống như vậy không?
Đấng chậm nóng giận đã nổi giận với ông Môi-se vì ông cố ý thoái thác lệnh truyền. Khi Chúa giao cho ai đó một công việc, Ngài biết người đó có thể làm tốt vì Ngài đã trang bị mọi sự có cần và nhìn thấy tương lai của người đó. Chúng ta không có quyền thoái thác mệnh lệnh của Chúa vì chúng ta được dựng nên bởi Ngài và vì Ngài.Vì vậy, chúng ta hãy hết lòng vui mừng vì được Chúa sử dùng, được đồng công với Chúa, và bởi đức tin, hãy sẵn lòng phiêu lưu cùng Ngài.
Dù nổi giận nhưng Chúa không cất sứ mệnh khỏi ông Môi-se mà sai một người có tài hùng biện là ông A-rôn, anh trai của ông đến giúp ông. Ông A-rôn đang trên đường đến gặp ông Môi-se chứng tỏ Chúa nhìn biết giới hạn của ông Môi-se và có cách giải quyết trước khi ông mở lời. Chúa cũng đã phân công rõ ràng cho hai anh em (câu 15-17). Mỗi con dân Chúa đều được kêu gọi phục vụ trong vương quốc của Ngài, và Chúa cũng dùng chúng ta làm việc theo nhóm. Mỗi tín hữu cần phải nhận thức rõ những giới hạn của mình và xin Chúa giúp nhận ra người đồng công với mình để cùng hỗ trợ nhau hoàn thành công việc Chúa giao phó.
Bạn thường thoái thác hay vâng lời Chúa tuyệt đối khi được Chúa giao công việc?
Chúc tụng Chúa, là Đấng hay làm ơn, chậm giận, và đầy sự nhân từ! Tạ ơn Chúa đã dùng con như công cụ trong nhà Ngài. Xin cho con luôn biết tìm cầu ý Chúa, và luôn vâng phục ý Ngài.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.