“Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con” (Châm Ngôn 3:5-6).
Câu hỏi suy ngẫm:
Ông Ê-li-pha đưa ra luận chứng nào cho rằng ông Gióp chịu đau khổ là do tội lỗi?
Bạn nhận định thế nào về lập luận của ông Ê-li-pha?
Bạn có quan điểm và thái độ nào đối với người gặp hoạn nạn, đau khổ?
Ông Ê-li-pha lên án ông Gióp cậy vào sự khôn ngoan và công bình của mình nên không chịu ăn năn với Chúa. Ông dùng những lý luận chặt chẽ và cách nói mỉa mai để trách cứ ông Gióp. Ông nói rằng ông Gióp đã quá tự cao về sự khôn ngoan và công bình của mình. Ông Gióp không phải là người sinh ra trước tiên như ông A-đam, hay sinh ra trước khi non núi hình thành (câu 7). Ông Gióp cũng chẳng nghe được sự bàn định của Đức Chúa Trời, và sự khôn ngoan đâu chỉ dành riêng cho ông Gióp (câu 8). Các bạn của ông Gióp cũng có sự thông hiểu như những gì ông Gióp thông hiểu, còn luận về tuổi tác và kinh nghiệm, họ cũng hơn ông (câu 9-10).
Về sự công chính, ông Ê-li-pha nói với ông Gióp rằng con người phạm tội là việc đương nhiên, tại sao ông Gióp không nhận lỗi? Loài người từ “người nữ sinh ra,” bà Ê-va đã phạm tội, thì con người là dòng dõi của bà Ê-va làm sao không có tội? (câu 14). Trước mặt Chúa, các tầng trời còn không trong sạch huống chi là con người “gớm ghiếc và hư nát, kẻ hay uống gian ác” (câu 15-16). Ông Ê-li-pha giận ông Gióp cho rằng ông Gióp xem nhẹ sự an ủi của Đức Chúa Trời, đem lòng bực tức, chống đối Chúa, và nói những lời không phải lẽ (câu 11-13).
Lý luận của ông Ê-li-pha rất chặt chẽ, nhưng sự thử thách ông Gióp chịu không đến từ tội lỗi của ông. Lời của ông Ê-li-pha rất sắc bén, nhưng không đem lại an ủi, khích lệ cho ông Gióp trong hoàn cảnh đau thương đó. Sự khôn ngoan của con người nói chung và của ông Ê-li-pha nói riêng luôn có giới hạn. Con người không thể biết hết sự sâu nhiệm chương trình của Chúa. Chúa dạy cho con dân Ngài phải học Lời Ngài, “suy ngẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong” (Giô-suê 1:8). Khi biết sự khôn ngoan, hiểu biết của mình có giới hạn, chúng ta cần cầu nguyện, xin Chúa Thánh Linh soi dẫn, chỉ dạy khi học Lời Ngài và áp dụng Lời Ngài cách đúng đắn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chúng ta không thể quên mục đích sứ điệp của Chúa là đem tha nhân về với tình yêu của Ngài. Những lời nói, việc làm của con cái Chúa phải đem sự khích lệ, yêu thương đến người hoạn nạn, khó khăn.
Bạn có cầu nguyện tìm sự dạy dỗ của Chúa Thánh Linh trước khi chia sẻ cho người khác không? Lời nói của bạn có nâng đỡ người hoạn nạn không?
Con tạ ơn Chúa vì tình yêu bao la của Ngài. Xin Chúa Thánh Linh soi dẫn để con hiểu và yêu Chúa ngày càng hơn; xin cho con có lời nói ân hậu, yêu thương mọi người.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.