Câu gốc: “Vậy, không thể đợi lâu hơn nữa, nên tôi đã sai Ti-mô-thê đi, để cho biết đức tin anh em ra làm sao, e rằng kẻ cám dỗ đã cám dỗ anh em, mà công phu của chúng tôi trở nên vô ích chăng” (câu 5).
Câu hỏi suy ngẫm: Điều gì cho thấy Sứ đồ Phao-lô rất nôn nóng cho công việc Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca? Ông đã làm gì để nâng đỡ đức tin con dân Chúa tại đây? Thử thách, hoạn nạn đem lại ích lợi gì cho đức tin của bạn?
Con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca đang bị bức hại dữ dội, Hội Thánh còn non trẻ nên Sứ đồ Phao-lô rất lo lắng cho đức tin của họ. “Không thể chờ đợi được nữa,” “không thể đợi lâu hơn nữa” (câu 1, 5) là những cụm từ thể hiện lòng nôn nóng của Sứ đồ Phao-lô với công việc gây dựng đức tin các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Trong lúc ông và các bạn đồng sự tìm đủ phương cách để đến Tê-sa-lô-ni-ca khích lệ cho các tín hữu tại đây thì ma quỷ cũng sử dụng nhiều chiêu thức để ngăn cản, nhưng không vì đó Sứ đồ Phao-lô và các bạn đồng sự khoanh tay chờ đợi. Họ quyết định gửi ông Ti-mô-thê “…là anh em chúng tôi, tôi tớ của Đức Chúa Trời, kẻ giúp việc đạo Tin Lành của Đấng Christ, đến cùng anh em, để khiến anh em được vững vàng và giục lòng anh em trong đức tin” (câu 2) và cũng là người con tinh thần của Sứ đồ Phao-lô đến kịp thời để khích lệ và giúp con dân Chúa tại đây không bị rúng động khi phải đối diện với “sự khốn khó” (câu 3).
Người theo Chúa không tránh khỏi những thử thách đức tin. Sứ đồ Phao-lô cũng đã báo trước với các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca phải đối diện với nhiều gian khổ trên bước đường theo Chúa (câu 4). Điều quan trọng là sự quan tâm, cầu thay, giúp đỡ lẫn nhau để khích lệ và nâng đỡ đức tin cho nhau. Chắc chắn sau khi vượt qua thử thách con dân Chúa sẽ trưởng thành hơn trong đức tin và bền lòng theo Chúa cho đến cuối cùng.
Sống trên đời tạm này, thử thách, hoạn nạn là điều tất yếu trong cuộc sống, và con dân Chúa cũng không được miễn trừ. Cơ Đốc nhân cần nhận biết rằng thử thách có thể là một phần kế hoạch của Đức Chúa Trời đối với con dân Ngài. Vì sau khi đối diện với nan đề, bức hại… và vượt thắng, sẽ đem lại cho chúng ta nhiều điều hữu ích như đức tính kiên trì, nhẫn nhục (Gia-cơ 1:2-4; Rô-ma 5:3-5), sự cảm thông và đồng cảm với những người khác cũng đang gặp hoạn nạn để khích lệ lẫn nhau (II Cô-rinh-tô 1:3-7). Ngoài ra, trong một phương diện, hoạn nạn của chúng ta là dấu hiệu của một đời sống Cơ Đốc có kết quả, đời sống vượt thắng thử thách để giữ vững đức tin. Mỗi chúng ta cần quan tâm nhau, nâng đỡ, khích lệ nhau để ai nấy được vững vàng đức tin trong mọi hoàn cảnh.
Bạn thường có thái độ nào khi gặp hoạn nạn hay sự ngăn trở trong đức tin?
Cảm tạ Chúa vì dù ma quỷ luôn chống phá và ngăn trở đời sống đức tin của con, nhưng có Chúa giúp con để không đầu hàng khó khăn, luôn nhờ ơn Chúa vững bước và chu toàn trọng trách Chúa giao, đồng thời kinh nghiệm quyền năng cứu giúp từ chính Ngài để có thể giúp người khác nữa.
(c) 2023 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Comments