Câu gốc: “Nhưng anh em đã biết sự trung tín từng trải của người; và biết người là trung thành với tôi về việc Tin Lành, như con ở với cha vậy” (câu 22).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô giới thiệu về ông Ti-mô-thê như thế nào khi gửi ông đến Hội Thánh Phi-líp? Nếu cần giới thiệu người kế thừa thì bạn sẽ giới thiệu ai và giới thiệu như thế nào?
Do Sứ đồ Phao-lô không thể đích thân đến Phi-líp nên ông sai học trò của mình là ông Ti-mô-thê đi thế. Có lẽ không ai gần gũi với Sứ đồ Phao-lô trong lúc này hơn là ông Ti-mô-thê, vì đang khi Sứ đồ Phao-lô viết thư này trong nhà tù La Mã, ông Ti-mô-thê cũng có mặt tại đó. Và để Hội Thánh tại Phi-líp tin tưởng đón nhận ông Ti-mô-thê, Sứ đồ Phao-lô phải giới thiệu về học trò của mình.
Trước hết, Sứ đồ Phao-lô khẳng định: “Không có ai đồng tâm tình với tôi để thật sự lo lắng cho anh em như Ti-mô-thê” (câu 20 BTTHĐ). Đây là một lời giới thiệu nhiệt tình về tâm tình phục vụ Chúa và phục vụ người khác của ông Ti-mô-thê. Sứ đồ Phao-lô luôn ý thức được việc cần đào tạo thế hệ kế thừa công việc Chúa. Ông đã rất vui khi tìm thấy thanh niên Ti-mô-thê là mẫu người ông cần. Và trong suốt thời gian cùng phục vụ Chúa, Sứ đồ Phao-lô đã nhận biết rõ tấm lòng và tâm tình phục vụ của ông Ti-mô-thê. Vì thế, ông tự tin mà khẳng định trong thư viết cho Hội Thánh Phi-líp về người học trò này.
Thứ hai, Sứ đồ Phao-lô giới thiệu ông Ti-mô-thê về “sự trung tín từng trải của người” (câu 22a). Có thể các tín hữu tại Phi-líp đã từng biết về phẩm chất của ông Ti-mô-thê khi ông cùng Sứ đồ Phao-lô phục vụ Chúa trong hành trình truyền giáo thứ hai, lúc Hội Thánh mới thành lập. Họ đã ít nhiều nhìn thấy sự trung tín của ông Ti-mô-thê.
Tiếp theo, Sứ đồ Phao-lô giới thiệu về mối quan hệ của hai người “người là trung thành với tôi về việc Tin Lành, như con ở với cha vậy” (câu 22b). Sứ đồ Phao-lô xem ông Ti-mô-thê như “con thuộc linh” của mình (I Cô-rinh-tô 4:17; I Ti-mô-thê 1:2). Ông Ti-mô-thê luôn ở bên cạnh giúp đỡ và phục vụ Sứ đồ Phao-lô. Về phần Sứ đồ Phao-lô, ông đã truyền đạt hết tâm huyết, cũng như tận tình huấn luyện, dạy dỗ ông Ti-mô-thê để chuẩn bị cho chức vụ của ông trong tương lai.
Về sau, Sứ đồ Phao-lô nhắc lại với ông Ti-mô-thê: “Con đã noi theo ta trong sự dạy dỗ, tánh hạnh, ý muốn, đức tin, nhịn nhục, yêu thương, bền đỗ của ta, trong những sự bắt bớ, và hoạn nạn đã xảy đến cho ta tại thành An-ti-ốt, Y-cô-ni và Lít-trơ…” (II Ti-mô-thê 3:10-11). Sứ đồ Phao-lô an lòng khi có một học trò như ông Ti-mô-thê để tiếp nối chức vụ của mình. Lời giới thiệu học trò của Sứ đồ Phao-lô để lại cho chúng ta một gương về tâm tình và trách nhiệm đào tạo người tiếp nối trong công việc Chúa. Mỗi chúng ta cần quan tâm tìm những học trò tin cậy cho mình để đào tạo cho công việc Chúa trong tương lai.
Bạn có được “học trò” đáng tin cậy nào không?
Lạy Chúa, cầu xin Ngài dấy lên “những học trò” trung tín và tận tâm như ông Ti-mô-thê để được huấn luyện bước vào chức vụ lo cho công tác của Hội Thánh trong tương lai.
(c) 2020 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments