Câu gốc: “Anh em hãy tiếp lấy nhau cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em, để Đức Chúa Trời được vinh hiển” (câu 7).
Câu hỏi suy ngẫm: Người mạnh và người yếu trong Hội Thánh là những ai? Con dân Chúa phải sống với nhau như thế nào? Việc chúng ta tiếp nhận lẫn nhau ảnh hưởng gì đến sự phục vụ trong Hội Thánh và cho Danh Chúa?
Phân đoạn Kinh Thánh này tiếp nối Rô-ma chương 14, lúc đó Hội Thánh La Mã đang có sự tranh cãi về những vấn đề không thuộc các giáo lý cốt lõi của sự cứu rỗi, những vấn đề Kinh Thánh không cấm mà cũng không bảo phải tuân theo. Về ăn uống, những người mạnh xem mọi thực phẩm đều thanh sạch nên tự do ăn; còn những người yếu thì tuân giữ theo luật về thức ăn sạch và không sạch trong Cựu Ước, và họ tránh ăn thịt bán ngoài chợ vì sợ rằng thịt đã cúng cho tà thần. Về các ngày, có người cho rằng ngày này tốt hơn ngày kia, còn người khác cho rằng mọi ngày đều như nhau. Cả hai nhóm đều là con cái Chúa và cũng vì Chúa mà làm theo lương tâm của mình. Những xung đột nói trên ít nhiều làm ảnh hưởng đến công tác phục vụ Chúa và phục vụ nhau trong Hội Thánh. Lời Chúa dạy cả hai nhóm đừng khinh khi nhau và đừng lên án nhau, vì chỉ có Chúa là Đấng có thẩm quyền xét xử công lao của từng con cái Ngài (Rô-ma 14:10-12).
Mở đầu chương 15, về mặt tích cực, Sứ đồ Phao-lô khuyên những người mạnh không nên chỉ làm vừa lòng mình nhưng làm đẹp lòng anh chị em mình để giúp ích và gây dựng họ. Như gương Đức Chúa Giê-xu, Ngài tự hạ mình xuống, lấy hình đầy tớ để phục vụ và chết thay cho tội nhân (Phi-líp 2:5-8). Ngoài Chúa Giê-xu, Kinh Thánh cũng ghi lại kinh nghiệm của những người xưa, thí dụ ông Áp-ra-ham đối xử tốt với cháu mình là ông Lót (Sáng Thế Ký 13:8-9). Những gương trong Kinh Thánh giúp chúng ta kiên trì và được khích lệ trong hiện tại cũng như hy vọng tốt đẹp trong tương lai (câu 4).
Trong gia đình, cha mẹ và các anh chị lớn thường sống hy sinh để giúp các em còn nhỏ được trưởng thành, tương tự như thế, trong Hội Thánh, các tín hữu trưởng thành thuộc linh cần sống hy sinh và kiên nhẫn để giúp đỡ các tín hữu còn non trẻ trong đức tin được lớn lên về tâm linh. Khi mọi thành phần trong Hội Thánh đều tiếp nhận nhau như một gia đình đầy tình thương thì tất cả sẽ cùng nắm tay nhau phục vụ Chúa, mọi thách thức nếu có cũng sẽ dễ dàng vượt qua vì tình yêu thương, và trên hết mọi sự, Danh Đức Chúa Trời được tôn cao giữa Hội Thánh và trong vòng Dân Ngoại.
Xin Chúa cho chúng ta sống hòa hợp nhau trong Hội Thánh, tiếp nhận nhau, người mạnh sẵn lòng hy sinh và nâng đỡ người yếu, tất cả đều cùng nhau vượt qua mọi trở lực, mọi thách thức để cùng phục vụ Chúa, phục vụ nhau và cùng làm sáng Danh Đức Chúa Trời.
Bạn có sẵn lòng hy sinh để nâng đỡ, gây dựng nhau trong Hội Thánh không?
Lạy Chúa là Cha Yêu Thương, con khát khao trải nghiệm ơn phước của Chúa đổ xuống dư dật như dầu quý giá đổ xuống cho mọi thành phần trong Hội Thánh khi chúng con yêu thương nhau, chấp nhận nhau, và giúp đỡ nhau.
(c) 2024 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Commentaires