Câu gốc: “Lời nói phải thì, khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc” (câu 11).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn đưa ra đặc tính cần có nào của lời nói? Ông dùng những so sánh nào để bày tỏ giá trị những đặc tính này? Câu Châm-ngôn này giúp bạn nhận ra mình cần thay đổi điều gì?
Nhận biết lời nói thiếu cẩn trọng có thể đem đến tai họa cho người nói (Châm-ngôn 25:9-10), Vua Sa-lô-môn đã dạy con “lời nói phải thì” hay đúng lúc sẽ giá trị như “trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc.” Hình ảnh “trái táo vàng để trên đĩa bạc” (câu 11 Bản Dịch Mới—BDM) mô tả những gì đẹp đẽ, có giá trị và được chế tác cẩn thận.
Tại đây có ba điều “lời nói phải thì” cần có. Thứ nhất là đúng đắn. Từ “quở trách” trong câu 12 có nghĩa là “để thiết lập những gì là đúng trong một vụ kiện,” và cũng có nghĩa là “hòa giải” hay “duy trì công lý.” Lời quở trách của người khôn ngoan có giá trị giống như “một cái vòng vàng, một đồ trang sức bằng vàng ròng.” Như vậy, lời nói hoặc quyết định khôn ngoan phải đúng với lẽ thật và nhằm mục đích sửa lại những sai trật, giúp người nghe sống khôn ngoan.
Thứ hai là đúng lúc. Một lời nói hoặc quyết định đúng đắn được ví như những “trái bình bát bằng vàng,” và hoàn cảnh thích hợp được ví như một tác phẩm điêu khắc bằng bạc. Lời nói đúng đắn nói ra đúng thời điểm sẽ tăng giá trị lên nhiều lần, ngược lại, lời nói không đúng lúc hay không đúng hoàn cảnh sẽ đánh mất giá trị của nó. Tiên tri Ê-sai nói: “Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi” (Ê-sai 50:4a). Có những thời điểm “kẻ mệt mỏi” cần những lời dạy dỗ đúng đắn để được “nâng đỡ” hơn là lời phê phán. Ngược lại, ông Gióp đã nói với ông Ê-li-pha: “Lời chánh trực có sức lực dường bao! Còn lời trách móc của các bạn nào có trách được gì?” (Gióp 6:25). Trong thời điểm ông Gióp đang đau khổ về thể xác, tinh thần, lẫn tâm linh thì “lời trách móc” có ích lợi gì!
Thứ ba là đúng người. “Người khôn ngoan quở trách lỗ tai hay nghe” (câu 12). Từ “nghe” trong tiếng Hê-bơ-rơ mang ý nghĩa vâng lời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4). Không phải ai có tai cũng biết lắng nghe, và không phải ai lắng nghe cũng làm theo sự dạy dỗ mình đã nghe. Như vậy, lời quở trách của người khôn ngoan là quý giá, nhưng như đôi hoa tai cần phải có “lỗ tai hay nghe” để đeo vào sẽ trở nên đẹp đẽ hơn bao giờ hết. Những lời của người quở trách khôn ngoan phải lọt vào đôi tai chú ý biết vâng lời. Sự phù hợp giữa người khôn ngoan đưa ra lời quở trách hoặc quyết định của mình với một người biết lắng nghe và chấp nhận sửa sai cũng đáng yêu và quý giá như một chiếc khuyên tai tinh xảo bằng vàng đeo trên tai. Cũng vậy, lời nói khôn ngoan cũng phải nói cho đúng người mới có giá trị.
Lời nói của bạn thường đem lại kết quả nào cho người nghe?
Lạy Chúa, lời nói là điều con khó kiểm soát nhất, vì vậy xin Chúa cho con có sự cẩn trọng để sử dụng lời nói của con cách khôn ngoan, đúng lúc, ích lợi cho người nghe.
(c) 2024 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Comments