Câu gốc: “Dân ấy ngồi chỗ tối tăm, đã thấy ánh sáng lớn; và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết, thì ánh sáng đã mọc lên” (câu 16).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu khởi đầu chức vụ ở đâu? Địa điểm Chúa khởi đầu chức vụ nói lên điều gì? Sứ điệp Chúa Giê-xu rao giảng là gì? Điều kiện để nhận ra ánh sáng lớn là ân sủng Chúa cho mình là gì?
Phân đoạn Kinh Thánh này mở đầu bằng chi tiết ông Giăng Báp-tít, người mở đường cho Chúa Giê-xu đã bị bỏ tù. Điều này nói lên sứ mệnh làm người dọn đường của ông Giăng Báp-tít đã hoàn tất. Tại thời điểm này, Chúa Giê-xu bước vào giai đoạn khởi sự rao giảng về Nước Thiên Đàng đã đến gần (câu 17). Điều đáng chú ý là vùng đất Ga-li-lê phía Bắc thuộc về Dân Ngoại, là nơi mà người dân ở đây bị người Do Thái khinh bỉ, lại là nơi Chúa Giê-xu chọn để khởi đầu chức vụ thay vì trung tâm tôn giáo Giê-ru-sa-lem. Sự sáng sẽ chiếu ra từ xứ Ga-li-lê, ánh sáng lớn ấy soi dẫn những con người còn đang mịt mù trong bóng tối để họ tiếp nhận Phúc Âm và được sống trong sự sáng.
Có nhiều lý do Chúa chọn lánh qua Ga-li-lê và dùng nơi đây làm trung tâm hoạt động chính trong con đường chức vụ của Chúa. Kinh Thánh chỉ cho biết sự lựa chọn nơi chốn khởi đầu chức vụ của Chúa Giê-xu không phải là tình cờ, nhưng là điều đã được dự ngôn trong sách tiên tri Ê-sai 9:1-2 và phần đất phía bắc Ga-li-lê thuộc Dân Ngoại đã thấy được ánh sáng lớn. Ngoài ra, qua những sự kiện khác nhau trong các sách Phúc Âm, chúng ta thấy có rất nhiều người trong xứ Ga-li-lê đã đáp ứng tiếng gọi của Chúa Giê-xu, trong đó có những ngư phủ đầu tiên quyết định bỏ hết mọi sự để theo Chúa và trở nên những tay đánh lưới người cho Nước Thiên Đàng (Ma-thi-ơ 4:18-22). Trong khi đó, Giê-ru-sa-lem là trung tâm hoạt động tôn giáo chính của người Do Thái, nơi rất nhiều người có trình độ văn hóa lẫn thuộc linh cao, lại chính là nơi Chúa Giê-xu bị từ chối nhiều nhất, thậm chí phải chịu chết dưới tay những người này (Lu-ca 13:33-35).
Có thể nói, ánh sáng Thiên Thượng soi rọi khắp muôn dân, nhưng không phải ai cũng tiếp nhận ánh sáng lớn ấy cho riêng mình, và đôi khi chính tri thức cùng lòng kiêu ngạo đã cản trở con người tiếp nhận ánh sáng đến từ Đức Chúa Trời. Thực tế thường thấy, khi Phúc Âm truyền ra thì những nơi kém phát triển tiếp nhận dễ hơn là những nơi giàu có về tri thức lẫn vật chất. Lý do không phải Phúc Âm chỉ dành riêng cho người nghèo, nhưng khi con người dùng lý trí để lý giải về Phúc Âm nhiệm mầu thì sẽ không bao giờ có thể hiểu và lãnh hội được sự sâu nhiệm ấy. Chỉ khi nào chúng ta dùng tấm lòng khiêm nhường đón nhận Phúc Âm, chúng ta mới nhận ra ánh sáng lớn là ân sủng Chúa lớn lao cho con người tội lỗi như mình là thể nào.
Bạn đã kinh nghiệm ánh sáng lớn của Chúa soi dẫn cuộc đời mình như thế nào?
Lạy Chúa, là Đấng yêu thương con không vì những gì con có. Cảm tạ Chúa Giê-xu đã xuống trần để mang ánh sáng Thiên Thượng đến chốn tối tăm này. Xin cho con luôn sống xứng đáng với tình yêu ấy mỗi phút giây.
(c) 2020 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments