Câu gốc: “Khi nín lặng, dù người ngu dại, cũng được cầm bằng khôn ngoan; còn kẻ nào ngậm môi miệng mình lại được kể là thông sáng” (câu 28).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn dạy về ích lợi của việc nín lặng ra sao? Tại sao người biết nín lặng được xem là khôn ngoan? Bạn cần cẩn trọng lời nói thế nào để ích lợi cho người nghe và làm sáng Danh Chúa?
Vua Sa-lô-môn dạy con sống khôn ngoan qua sự thay đổi từ tính cách con người đến cách cư xử. Về phương diện tính cách, người công bình có lòng ngay thẳng, biết việc phạt và hoặc đánh người công chính là sai trái và bất công. Người thiếu khôn ngoan và không công chính thường đoán xét bất công, sai trật. Từ tính cách, vua chuyển sang cách cư xử, đặc biệt là cách nói. Người ngu dại làm sao nói được lời khôn ngoan: “Lời tốt lành không xứng với kẻ ngu” (câu 7). Ngược lại người khôn ngoan sẽ không nói lời ngu dại. Nếu im lặng, người ta không thể biết tính cách con người, nhưng khi lắm lời, người ta sẽ đánh giá được phẩm chất khôn dại của người nói. Người khôn ngoan phải dè dặt trong lời nói, điềm tĩnh trong cách cư xử. Dù người có tâm trí chưa được khôn ngoan, thì thái độ yên lặng của họ cũng được xem là khôn ngoan. Vì khi nín lặng, con người có thời gian suy xét kỹ lưỡng hơn, và tránh được những lời nói sai trật, điên cuồng: “Lưỡi người khôn ngoan truyền ra sự tri thức cách phải; nhưng miệng kẻ ngu muội chỉ buông điều điên cuồng” (Châm Ngôn 15:2). Kiềm chế sự nóng nảy, không nói lời thiếu ý thức là bày tỏ được sự khôn ngoan của con người.
Người xưa dạy rằng, “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe” nhằm nhắc nhở mọi người nếu biết rõ vấn đề thì hãy nói, còn không rõ thì hãy yên lặng lắng nghe để học hỏi thêm. Nhưng một điều nghịch lý trong xã hội mà chúng ta thường thấy là người khôn ngoan thì thường chậm nói và nói ít lời, ngược lại người dại thì thích nói, nhưng nói lời ba hoa, rỗng tuếch. Họ càng nói càng lộ ra tính cánh yếu kém của họ và sự vụng về trong giao tiếp. Những người như vậy thà không nói thì tốt hơn.
Là Cơ Đốc nhân, những lời chúng ta nói ra phải thể hiện mình là con cái Chúa. Cần phải cẩn trọng suy nghĩ xem nội dung chúng ta nói có công chính, thánh khiết không. Lời chúng ta nói ra có đúng lúc, đúng người, phù hợp với hoàn cảnh không. Sứ đồ Phao-lô đã dạy các tín hữu ở Ê-phê-sô rằng: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29). Ước mong mỗi con dân Chúa học được ích lợi của sự nín lặng để cân nhắc trong lời nói. Khi cần nói, hãy nói những lời ích lợi cho người nghe và thể hiện được sự công chính, yêu thương của Chúa.
Lời nói của bạn có đem lại ích lợi cho người nghe không?
Lạy Cha Thiên Thượng! Tạ ơn Chúa đã dạy dỗ con, ban cho con Lời Ngài. Xin Chúa giúp con kiềm chế được sự nóng nảy, biết cân nhắc kỹ lưỡng khi nói. Xin Chúa cho lời nói con đem lại ích lợi cho người nghe và làm sáng Danh Chúa.
(c) 2022 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comentarios