Câu gốc: “Tôi nói thật trong Đấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Đức Thánh Linh: Tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn” (câu 1-2).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đang có cảm xúc nào khi nghĩ về tình trạng thuộc linh của người Do Thái? Tình cảm chân thật này được bày tỏ như thế nào? Đâu là yếu tố quan trọng của một chứng nhân cho Đấng Christ?
Do Thái là một dân tộc đặc biệt, được Đức Chúa Trời ban cho những đặc ân mà dân tộc nào cũng phải ao ước (câu 3-4). Họ là “dân Ít-ra-ên,” là dân giao ước, và cũng là “dân được hưởng danh phận con nuôi,” không phải nói đến sự cứu rỗi phổ quát nhưng nhấn mạnh sự bảo vệ, chăm sóc đặc biệt Chúa dành cho họ (Ê-sai 46:3-4). Họ có “sự vinh hiển,” là sự hiện diện vinh quang của Đức Chúa Trời giữa dân Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:10). Họ cũng là dân có “giao ước” (Sáng Thế Ký 12:2-3; Xuất Ê-díp-tô Ký 24:8; II Sa-mu-ên 7:12-16). Họ được ban “luật pháp,” một luật pháp trọn vẹn, kèm theo lời hứa nếu họ vâng lời, không chỉ được ban phước về thuộc linh mà còn được thịnh vượng về vật chất (Phục-truyền Luật-lệ Ký 27—28). Hơn nữa, họ có “sự thờ phượng,” là hình bóng của những lẽ thật thuộc linh được bày tỏ cho người Ít-ra-ên (Hê-bơ-rơ 8:5). Họ cũng được ban cho “lời hứa” (Giê-rê-mi 31:31-34; Công Vụ 2:39). Họ là “dân sinh hạ bởi các tổ phụ” Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, và chính qua những tổ phụ này, những giao ước và lời hứa được thiết lập. Và cuối cùng họ là dân tộc được chọn cho sự “sinh ra Đấng Christ.”
Thế nhưng cũng chính dân tộc đầy dẫy đặc ân này lại là dân tộc đóng đinh Đấng Mết-si-a và bức hại các đầy tớ Ngài như Sứ đồ Phao-lô. Bất chấp sự cứng lòng và gian ác của người Do Thái, Sứ đồ Phao-lô nói rằng: “Tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn,” và ông mong muốn “chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác” (câu 2-3). “Bị dứt bỏ” nguyên nghĩa là bị nguyền rủa, bị rút phép thông công, bị phân rẽ khỏi Đấng Christ. Nói cách khác là mất sự cứu rỗi! Chắc chắn đây không phải là điều Sứ đồ Phao-lô ước ao mà chỉ là suy nghĩ đến với tâm trí ông. Là một nhà thần học, ông biết không thể mất sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho, nhưng tại đây ông nói lên tấm lòng của ông với người Do Thái, là cảm xúc, tình yêu, chứ không phải thần học. Sứ đồ Phao-lô hiểu rõ giá trị và sự quý báu của sự cứu rỗi nhưng tại đây cho thấy tình yêu của ông đối với người Do Thái hư mất khiến ông sẵn sàng đánh đổi điều quý nhất của đời sống mình, cho dù họ ghét và không chấp nhận ông.
Đây phải là tấm lòng mà những người truyền giảng Phúc Âm cần phải có. Một trong những trắc nghiệm tốt nhất cho tình trạng đức tin chính là lửa nhiệt thành có đủ để nung đốt chúng ta đem Phúc Âm đến cho những người chưa tin chăng?
Bạn có khao khát về sự cứu rỗi của dân tộc mình không?
Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì con chưa hết lòng yêu thương dân tộc mình. Xin Chúa Thánh Linh nung đốt ngọn lửa rao truyền Phúc Âm trong lòng con để con sốt sắng rao truyền tình yêu Chúa cho nhiều người.
(c) 2022 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments