Câu gốc: “Nhạo báng, ấy là tên của người kiêu căng cao cách; nó cư xử cách xấc xược theo tánh kiêu ngạo của nó” (câu 24 BTT). “Nhạo báng” là tên của kẻ tự cao, kiêu ngạo, nó cư xử cách xấc xược theo tính kiêu căng của nó” (câu 24 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Người “nhạo báng” là người như thế nào và có những đặc điểm ra sao? Lời Chúa dạy phải làm gì với người nhạo báng? Tại sao Cơ Đốc nhân cần sống khiêm nhường trong Hội Thánh, gia đình, và xã hội?
Người được gọi là “nhạo báng” trong Châm-ngôn 21:24 là người tự phụ, xấc xược, cho là mình biết hết mọi sự nên rất tự cao. Người “nhạo báng” luôn cười nhạo và phủ nhận chân lý, không bao giờ khiêm cung học hỏi. Thái độ đáp ứng trước những lời khuyên hoặc lời sửa dạy càng cho thấy sự ngu dốt của họ. Người sống như vậy được xem là người dại vì họ chỉ chú tâm vào sự khôn ngoan đời này nên không còn khao khát thuộc linh để tìm kiếm sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Với tính kiêu ngạo, người nhạo báng không thể có được sự khôn ngoan thật, cho dù có tìm kiếm đi nữa, vì muốn học hỏi chân lý của Đức Chúa Trời đòi hỏi người học phải có tâm trí khiêm nhường và ý chí tuân phục (Châm-ngôn 14:6).
Lời Chúa dạy những người “nhạo báng” như vậy cũng không đáng để chúng ta hướng dẫn: “Ai trách dạy kẻ nhạo báng mắc phải điều sỉ nhục. Chớ trách kẻ nhạo báng, e nó ghét con; hãy trách người khôn ngoan, thì người sẽ yêu mến con” (Châm-ngôn 9:7-8). Điều thường thấy trong Hội Thánh, xóm giềng hay nơi làm việc, người “nhạo báng” luôn mang đến sự rắc rối, phá hoại, vì thế Vua Sa-lô-môn đã dạy cách nghiêm khắc rằng: “Hãy đuổi kẻ nhạo báng ra, thì sự cãi lẫy cũng sẽ đi; điều tranh cạnh và sự sỉ nhục sẽ hết” (Châm-ngôn 22:10).
Xuyên suốt lịch sử loài người, đã có nhiều bài học thất bại khi con người kiêu ngạo. Một ví dụ điển hình là khi con người tự cao hè nhau xây tháp Ba-bên, họ đồng lòng nói với nhau rằng: “Nào, chúng ta hãy xây cho mình một thành và dựng một tháp có đỉnh cao đến tận trời để chúng ta được nổi danh” (Sáng-thế Ký 11:4 BTTHĐ). Từ sự kiêu ngạo ấy, con người muốn sống theo ý riêng của mình, không theo ý Chúa nên họ phải chịu hình phạt, bị Chúa làm cho lộn xộn tiếng nói và tản lạc khắp trên đất (Sáng-thế Ký 11:1-9).
Con cái Chúa phải hết sức khiêm nhường, trong đời sống và trong công việc Chúa giao luôn tìm cầu ý Chúa, chớ cậy sự khôn ngoan riêng của mình. Trước giả Gia-cơ nhắc lại một nguyên tắc bất di bất dịch: “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6). Chúng ta phải nhớ rằng, khi chúng ta kiêu ngạo, nhạo báng con người, cũng có nghĩa là chúng ta coi thường ý muốn Chúa, không tìm học sự khôn ngoan của Chúa và cũng xem thường thẩm quyền của Chúa.
Bạn có học hỏi và thực hành nếp sống khiêm nhường trong Hội Thánh, xã hội, và gia đình không?
Tạ ơn Chúa vì Lời Ngài nhắc nhở con trong lối sống hằng ngày. Xin cho con biết tìm cầu và học hỏi ý Ngài để con luôn sống khiêm nhường, yêu thương như Chúa đã dạy con.
(c) 2024 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Komentáře