Câu gốc: “Vì cớ ngươi làm điều ác, và lìa bỏ Đức Giê-hô-va, nên trong mọi công việc ngươi bắt tay làm, Ngài sẽ khiến giáng cho ngươi sự rủa sả, kinh khủng, và hăm dọa cho đến chừng nào ngươi bị hủy diệt và chết mất vội vàng” (câu 20).
Câu hỏi suy ngẫm: Những lời rủa sả trong phân đoạn Kinh Thánh này liên quan đến các lãnh vực nào? Mức độ nghiêm trọng của những lời rủa sả này ra sao? Bạn nhận thức về hậu quả của bội giao ước như thế nào?
Phân đoạn Kinh Thánh này tiếp tục vẽ ra những viễn cảnh ảm đạm về cuộc sống của những người bội đạo. Có thể nói, làm điều gian ác và bội giao ước, lìa bỏ Đức Chúa Trời là nguồn gốc dẫn đến mọi sự rủa sả trong cuộc sống. Ở đây chúng ta thấy mức độ của sự rủa sả không chỉ gói gọn trong từng cá nhân hoặc gia đình nhưng mang tính rộng hơn, có tầm ảnh hưởng đến toàn quốc. Hay nói cách khác, sự rủa sả không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến cuộc sống, cơm ăn áo mặc của một vài cá nhân nhưng còn ảnh hưởng đến sự an ninh và sinh tồn của cả một dân tộc. Điều này cho chúng ta thấy một khi dân Chúa bội giao ước thì Đức Chúa Trời sẽ không còn bảo vệ hay chăm sóc dân Ngài như hình ảnh người cha bồng ẵm, chăm sóc con mình nữa. Thay vào đó, Ngài sẽ chống nghịch lại dân chúng, giáng xuống trên họ những bệnh tật mà trước kia Ngài đã hứa sẽ miễn trừ cho họ. Dân Chúa sẽ bị chết dần chết mòn bởi bệnh tật, đói kém, bị quân thù đánh bại cách nhục nhã trong các trận chiến, xác chết tràn lan không ai chôn và trở nên thức ăn cho các loài chim trời cùng thú vật trên đất.
Khi Đức Chúa Trời rút lại sự giúp đỡ của Ngài trên đời sống chúng ta thì sẽ không còn hy vọng hay lối thoát nào cả. Nói cách khác, giao ước không dành bất cứ hy vọng sống nào cho những người phản bội giao ước, làm điều gian ác, và lìa bỏ Chúa. Nhiều người cảm thấy sợ hãi trước hình ảnh tang thương của những lời rủa sả trong giao ước. Hoặc cũng có người cảm thấy không thể hiểu vì sao một Đức Chúa Trời tốt lành như vậy lại có thể giáng xuống nhiều điều rủa sả nặng nề cho con dân Ngài. Thật ra, chỉ những ai bội giao ước Chúa, cố tình làm ngược lại những điều Chúa phán dạy mới cảm thấy sợ hãi và lo lắng. Bởi Đức Chúa Trời chúng ta thờ phượng là Đấng Thánh Khiết không chấp nhận tội lỗi nhưng cũng là ĐấngYêu Thương luôn mong muốn ban mọi phước lành cho chúng ta. Chúa luôn muốn giúp con dân Chúa kinh nghiệm được những phước hạnh dư dật trên đời sống và trong mối liên hệ với Ngài. Thế nên, thay vì sợ hãi trước những lời rủa sả, chúng ta hãy xem những lời này như một sự nhắc nhở chính mình biết cẩn trọng hơn trong từng quyết định của đời sống theo Chúa.
Bạn có thấy Chúa là Đấng Yêu Thương qua phân đoạn Kinh Thánh này không?
Lạy Chúa, Đấng luôn ban phước lành cho con dân Ngài, cũng như giáng sự rủa sả trên những người bội giao ước. Xin Chúa thương xót sự yếu đuối của con, thêm sức cho con luôn sống theo đường lối và ý muốn của Ngài suốt cuộc đời con.
(c) 2024 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Comments