Câu gốc: “Vì Đức Giê-hô-va làm khốn khổ nó, bởi cớ tội lỗi nó nhiều lắm” (câu 5b).
Câu hỏi suy ngẫm: Tiên tri Giê-rê-mi mô tả hai bức tranh tương phản nào về thành Giê-ru-sa-lem xưa và nay? Nguyên nhân nào gây nên thảm cảnh như thế? Bạn thường làm gì khi đối diện với nghịch cảnh trong cuộc sống?
Sách Ca-thương là một bài ai ca về sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem được viết sau khi người Giu-đa bị lưu đày một thời gian. Nhiều người đồng ý trước giả là Tiên tri Giê-rê-mi. Không mở đầu dài dòng, ông đi thẳng vào vấn đề muốn trình bày với tư cách là nhân chứng lịch sử. Ông chứng kiến “thành này” lúc xưa vốn đông đúc, đầy quyền thế, như một nữ chúa, có nhiều bạn bè, được mọi người yêu mến, tôn kính, vui hưởng vinh hoa, nếm trải mọi thứ vui thích. Nhưng nay, mọi vinh quang ấy chỉ là quá khứ, còn hiện tại của dân Chúa vô cùng bi thảm. Ngày xưa đông đúc nay chỉ một mình, xưa làm lớn được mọi người biết đến, nay như một đàn bà góa nghèo khó, thấp kém trong xã hội, chẳng ai quan tâm; rồi phải nộp thuế khóa, chịu cảnh phu tù, chịu sai dịch nặng nề; cửa thành xưa đón tiếp dân khắp nơi về dự các kỳ lễ trọng (câu 4), nay hoang vu không người lui tới.
Thành mà Tiên tri Giê-rê-mi nói đến chính là Giê-ru-sa-lem, được ông ví sánh như một người phụ nữ vốn được yêu thích nhưng nay trở nên ô uế, làm cớ cho các nước cười chê. Trong cái nhìn của Dân Ngoại và trong cảm nhận của chính trước giả, hiện tại người Giu-đa cùng thành Giê-ru-sa-lem phải chịu những sự sỉ nhục, bị xem khinh, trở nên ô uế, và đáng xấu hổ khác nào một người nữ trần truồng (câu 8b).
Dân Chúa phải sống trong thảm cảnh như thế vì “Giê-ru-sa-lem phạm tội trọng, bởi đó trở nên sự ô uế…” (câu 8a), và “Vì Đức Giê-hô-va làm khốn khổ nó, bởi cớ tội lỗi nó nhiều lắm” (câu 5b). Xót xa cho dân tộc mình khi phải đối diện với thảm cảnh, Tiên tri Giê-rê-mi than khóc cho thân phận của dân tộc như chính của mình. Tuy nhiên, khi sống trong thảm cảnh ấy, trước giả không chỉ thấy hoàn cảnh bi thương rồi ngồi than khóc mà thôi nhưng quan trọng là ông nhìn thấy rõ nguyên nhân nào đưa đến hậu quả như vậy.
Chúng ta thường hay nhìn về quá khứ để so sánh với hiện tại đau buồn rồi than thân trách phận và sống trong cay đắng, nhưng không nhìn thấy nguyên nhân như Tiên tri Giê-rê-mi đã nghiêm túc nhận ra. Chỉ than khóc với nghịch cảnh thôi sẽ dẫn đến thất vọng và có thể đi đến chỗ bế tắc, tuyệt vọng. Mỗi khi đối diện với những nghịch cảnh hãy nhìn lại mình, khiêm cung đến với Đức Chúa Trời để được Ngài chỉ cho biết nguyên nhân nào dẫn đến hậu quả như vậy. Qua đó chẳng những chúng ta đủ sức sống vững vàng trong nghịch cảnh mà cũng kịp thời ăn năn để nhận được sự phục hồi từ Chúa.
Bạn có than thở, oán trách Chúa khi đối diện với nghịch cảnh không?
Lạy Chúa, xin dạy con có thái độ đúng đắn khi đối diện với nghịch cảnh, biết nhạy bén với tội lỗi con vi phạm, không cay đắng với hoàn cảnh phải đối diện, nhưng biết khiêm nhường đến với Chúa để cầu xin sự thương xót từ Ngài.
(c) 2024 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Comentarios