Câu gốc: “...thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn” (câu 2 BTT).
“Anh em hãy khao khát sữa thiêng liêng thuần khiết như trẻ sơ sinh, để nhờ đó anh em được lớn lên trong sự cứu rỗi” (câu 2 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên các tín hữu phải từ bỏ điều gì? Để nuôi dưỡng đời sống tâm linh, họ cần phải khao khát gì? Cuối cùng ông kết thúc với lời khẳng định ra sao? Bạn đã đọc trọn bộ Kinh Thánh ít nhất một lần chưa?
Một người mới tiếp nhận Chúa có đời sống thuộc linh non trẻ giống như một em bé sơ sinh, do đó cần được nuôi dưỡng để lớn lên. Trẻ sơ sinh cần sữa, cũng vậy, người vừa được tái sinh và bắt đầu đời sống tâm linh với Chúa cũng cần “sữa thiêng liêng,” tức Lời Đức Chúa Trời. Trước khi một người có thể khao khát Lời Chúa thì Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên họ phải “từ bỏ mọi điều độc ác, xảo trá, đạo đức giả, ghen tị và mọi chuyện vu cáo” (câu 1 BTTHĐ). Đây là những điều gây hại đến đời sống và ngăn trở tiến trình tăng trưởng thuộc linh. Người mới tin Chúa cần phải tránh xa những điều này, và cần được nuôi dưỡng bằng những điều tốt lành, quan trọng nhất là Lời Chúa.
Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên Cơ Đốc nhân phải “khao khát sữa thiêng liêng thuần khiết” (câu 2 BTTHĐ). Trẻ sơ sinh có bản năng luôn khao khát sữa để tăng trưởng. Một Cơ Đốc nhân muốn trưởng thành cũng cần phải khao khát Lời Chúa. Từ “khao khát” hay “ham thích” là một từ rất sống động chỉ về sự thèm khát, giống như hình ảnh con nai cái thèm khát khe nước (Thi-thiên 42:1). Một người nhờ Lời Chúa mà được cứu rỗi, nghĩa là được tái sinh, trở nên một em bé thuộc linh. Người đó phải tiếp tục khát khao thức ăn thuộc linh là Lời Chúa cho đến khi đạt được sự cứu rỗi trọn vẹn nơi ngày sau rốt.
Thật đáng buồn khi nhiều Cơ Đốc nhân không hề lớn lên do không hề đói khát Lời Chúa. Trẻ sơ sinh không thể phát triển nếu không được cung cấp sữa đầy đủ. Vậy mà nhiều con cái Chúa lại “bỏ đói” đời sống thuộc linh của mình! Họ không hề thèm khát Lời Chúa vì quá chú trọng chăm chút cho đời sống thuộc thể mà lãng quên và bỏ đói đời sống thuộc linh. Nhiều tín hữu mang danh “Cơ Đốc nhân” mấy mươi năm nhưng đời sống thuộc linh vẫn èo uột, suy dinh dưỡng dẫn đến những hành động ấu trĩ chỉ vì họ không hề khao khát học Lời Chúa.
Cuối cùng, Sứ đồ Phi-e-rơ khẳng định sự khao khát Lời Chúa được xuất phát từ kinh nghiệm nếm biết sự ngọt ngào, nhân từ, và tốt lành của Chúa. Khi một người nếm trải Chúa là tốt lành dường nào thì người đó sẽ tự nhiên khao khát Lời Chúa và muốn học biết về Ngài, kinh nghiệm ân sủng của Ngài càng nhiều hơn.
Mức độ khao khát Lời Chúa của bạn hiện tại thế nào? Bạn làm gì để đáp ứng sự khao khát ấy?
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì đã ban ơn cứu rỗi và Lời Ngài để giúp cho tâm linh con được tăng trưởng. Xin Chúa cho con có sự thèm khát Lời Chúa như là nhu cầu thuộc linh không thể thiếu mỗi ngày.
(c) 2020 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comentarios