Câu gốc: “Người công bình xiêu tó trước mặt kẻ gian ác, khác nào một suối nước bị dấy đục, một nguồn nước bị hư” (câu 26).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn nhắc nhở “người công bình” điều gì? Vì sao “người công bình” lại thỏa hiệp trước “kẻ gian ác”? Bạn nhận biết gì về trách nhiệm của mình (xem thêm Ma-thi-ơ 5:13-16)?
Mặc dù mỗi người phải chịu trách nhiệm về đời sống của mình nhưng đừng quên rằng luôn có những tác động hỗ tương giữa mình với những người chung quanh. Vua Sa-lô-môn dạy rằng, “người công bình” phải rất cẩn thận đừng để bị “xiêu tó trước mặt kẻ gian ác.” “Xiêu tó” nghĩa là sa ngã, nhượng bộ, nghiêng ngã. Như vậy, “người công bình xiêu tó trước mặt kẻ gian ác” khi người này không can đảm sống công chính, nhưng thỏa hiệp và nhượng bộ “kẻ gian ác” do quan điểm sống thiếu vững vàng, gió chiều nào theo chiều đó. Một người như vậy sẽ như “suối nước bị dấy đục” bị người ta dẫm đạp làm dậy bùn lên, và như “nguồn nước bị hư,” như giếng nước bị ô nhiễm. Khi người công bình sống đúng với Lời Chúa, người đó sẽ như nguồn nước tươi mát cho người khác (Châm-ngôn 10:11a), nhưng khi không còn sống đúng với Lời Chúa thì người ấy sẽ trở thành nguồn nước bị vấy bùn, ô nhiễm và đem đến nguy hiểm cho người uống.
Vua Sa-lô-môn kêu gọi “người công bình” phải cẩn trọng trong đời sống mỗi ngày, không thỏa hiệp với thế gian, nhưng kiên trì sống theo Lời Chúa (Ma-thi-ơ 5:13). Khi một người từ bỏ sự kêu gọi của Chúa, sống thỏa hiệp với thế gian thì người đó trở nên người vô dụng, chuốc lấy sự sỉ nhục cho chính mình, và trở thành một gương xấu cho những người khác.
Vì sao “người công bình” lại thỏa hiệp và cúi đầu trước “kẻ gian ác”? Có thể vì muốn tìm con đường dễ dãi để đạt được các lợi ích cá nhân. Nhiều người sợ hãi trước sự tấn công của thế gian nên đã “xiêu tó trước mặt kẻ gian ác.” Hoặc người này quá chủ quan, nghĩ mình có thể kiểm soát được hoàn cảnh, do đó tự tin đặt mình “trước mặt kẻ gian ác” để rồi chịu thất bại như trường hợp ông Lót, sự thỏa hiệp của ông đã phá hủy đời sống ông, gia đình cùng cả dòng dõi. Hoặc cũng có thể những tham vọng cá nhân đã từng bước dẫn dắt “người công bình” ra khỏi con đường công chính. Vua Sa-lô-môn nói trong câu 27, mật thì tốt nhưng ăn nhiều quá lại “chẳng tốt”; sự “vinh hiển” không có gì sai nhưng vấn đề là “cầu kiếm” và “cầu kiếm vinh hiển” cho ai. Khi một người lấy mình làm trung tâm và bắt đầu tìm kiếm “vinh hiển cho mình” thì mọi chuyện sẽ trở nên sai. Tự tìm kiếm vinh quang cho mình sẽ dẫn chúng ta đến chỗ thỏa hiệp với điều ác và sống sai trật với Lời Chúa. Do đó, chúng ta cần phải tiết chế những tham vọng cá nhân để sống vững vàng, không ngã lòng trước thử thách và có thể giúp nhau vượt qua thử thách trong cuộc sống.
Bạn có thường bị xiêu tó trước mặt người gian ác không?
Lạy Chúa, xin giữ tấm lòng và tâm trí của con kiên định trong Chúa và Lời Ngài khi đối diện với những thử thách khó khăn. Xin giúp con luôn nhớ con có trách nhiệm với Chúa về đời sống gia đình con và nhiều người khác nữa.
(c) 2024 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Comments