Câu gốc: “Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ” (câu 10b).
Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao Sứ đồ Phao-lô bắt đầu bức thư với lời quở trách các tín hữu tại Ga-la-ti? Ông có ý gì khi ba lần nói đến nghi ngờ phải chăng ông muốn làm đẹp lòng người (câu 10)? Bạn quyết sống thế nào khi nhận biết mình là một đầy tớ Chúa?
Trong các thư tín khác của Sứ đồ Phao-lô, sau lời chào thăm thường là phần cảm ơn, khen ngợi, và khích lệ. Tuy nhiên, trong thư Ga-la-ti, ông lại ngay lập tức bắt đầu phần nội dung chính với lời trách móc: “Tôi lấy làm lạ…” Ông không che giấu nỗi thất vọng của mình mà nói thẳng bằng lời khiển trách những người con thuộc linh, vì họ “đã vội bỏ Đấng gọi anh em bởi ơn Đức Chúa Giê-xu Christ, đặng theo tin lành khác” (câu 6). Điều này vừa cho thấy mức độ nghiêm trọng trong vấn đề đức tin của tín hữu tại Ga-la-ti, vừa cho thấy mối liên hệ gần gũi giữa ông với họ đủ để ông đi thẳng vào vấn đề quở trách.
Tuy nhiên ở câu 10, ông lại ba lần nói đến nghi ngờ phải chăng ông muốn làm đẹp lòng con người. Điều này liên hệ gì tới chuyện tín hữu tại Ga-la-ti đang chạy theo một tin lành khác? Giống như người ta nghi ngờ chức sứ đồ của ông, “những kẻ làm rối trí” các tín hữu tại Ga-la-ti cũng khiến họ nghi ngờ có phải ông dạy giáo lý được cứu bởi đức tin chứ không phải bởi luật pháp, cụ thể là phép cắt bì (Ga-la-ti 2:15-16) hòng lấy lòng Dân Ngoại là những người chưa được cắt bì? Đáp lại, ông quả quyết rằng, “Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ Đấng Christ.” Đầy tớ chỉ làm đẹp lòng một chủ, hoặc là Đấng Christ, hoặc là con người. Khi chúng ta cố gắng làm hài lòng con người, tức chúng ta đang làm đầy tớ cho con người, không phải cho Chúa. Rõ ràng, tôn chỉ ấy cũng được thể hiện qua việc Sứ đồ Phao-lô đã không e ngại mà khiển trách và dùng lời lẽ cứng rắn với các tín hữu tại đây.
Trong Ê-phê-sô 4:2, chính Sứ đồ Phao-lô đã dạy, “phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chiều nhau.” Tuy nhiên vấn đề của tín hữu Ga-la-ti rất nghiêm trọng, cho nên dùng cách nói nhẹ nhàng, khéo léo họ sẽ không hiểu đúng bản chất và mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Sứ đồ Phao-lô biết lúc nào cần phải cứng rắn, không sợ làm người khác phật lòng, bởi vì mục đích sống của ông không phải là để làm người ta hài lòng, mà làm Chúa vui lòng và đem lại lợi ích cho mọi người.
Mọi Cơ Đốc nhân đều đã được Chúa cứu để trở thành đầy tớ của Chúa (Rô-ma 6:18, 22). Mỗi chúng ta không thể làm hài lòng mọi người bằng cách thỏa hiệp những điều quan trọng trong niềm tin và nếp sống đạo của mình, nhưng phải hướng đến việc làm hài lòng Chúa, dù đôi lúc khiến người khác không vui.
Cách bạn sống đang cho thấy bạn là đầy tớ Đấng Christ hay đầy tớ con người?
Lạy Chúa, con là đầy tớ của Ngài, xin giúp cho con khẳng định lẽ sống của đời con là làm hài lòng Chúa trước nhất để con được Chúa dùng giúp ích cho nhiều người.
(c) 2025 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Comments